Thoảng Thương
Chân trời bất tận nên không đi xuể chân trời…
0h35, yên ắng đến diệu kì. Gió thoảng hiu hiu làn tóc nhẹ, tiếng ếch nhái kêu lên rả rít, tiếng côn trùng râm rang dường như hòa cùng tiếng ếch tạo thành bản âm hưởng diệu kì. Xa vạn dặm, có tiếng máy ghe đi cào ruốc, chở lúa. Sự tĩnh mịch đến độ ta nghe thấy nỗi nhọc nhằn của những người đêm nay còn lênh đênh trên dòng sông thăm thẳm. Lòng tôi lắng đọng, gió hết chạm tóc lại khẽ sờ da, bỗng gió nổi lên trong khoảnh khắc, tán dừa xô nhau rì rào. Và rì rào giống như lúc nhỏ tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa êm ả, vẫn dưới tán dừa cố hữu ấy…
Mẹ ngân nga điệu nghệ câu ầu ơ ví dầu: “Ầu ơ cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời…”. Hồi đó, tôi còn ở trong cái nhà mà cái nhà sau còn dựng bằng vách lá dừa nước. Quê tôi thường gọi là cái “ cháy đằng sau”’ hay cái “cháy nhà sau” hay đơn giản là “cái cháy”. Cái nền đất nhà sau phải tảng nện cho đất như xiết lấy nhau chắc nịch, theo thời gian, biết bao lần dấu chân in trên đất để rồi nền nổi từng cục lên bóng loáng như được thoa dầu. Cháy nhà sau lợp bằng nhiều tấm lá chầm đã để lại dư âm về một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt – tầng tầng lớp lớp đan cài, ẩn hiện, lấp ló, chen nhau đưa mặt mình ra trước để hãnh diện vì đã trở thành một “nhân tố” quan trọng của căn nhà. Trong nhà kiểu gì cũng có chỗ để mấy bó lá dừa xây lũy xây thành để dành chụm, nấu nướng bằng cái bếp một bà hai ông từ khi cái bếp còn nguyên bản một màu đất sét đến khi bám đen màu lọ nghẹ. Những buổi sớm mai còn lờ mờ chưa sáng hẳn, cha nấu nước pha trà, làn khói bếp hừng hực quện vào nhau rồi cuồn cuộn bay lên như tung hoành trên nền vách lá nâu tuyền.
Quê hương còn là những đêm, có một đứa nhóc nhỏ ngồi bên nồi bắp nấu để sáng ra chợ bán của mẹ. Quê hương còn là đứa nhóc nhỏ ấy được cha bỏ vào cái giỏ nhựa, một tay tài tình xách qua cầu khỉ, còn là khi ngồi gọn hơ trong chiếc xe rùa được cha đẩy vòng vòng khuôn sân. Rồi có lúc đứa bé thấy dáng hình mẹ dịu dàng quét tước nhà cửa, nó thấy dáng cha to lớn vô cùng khi được cha cõng qua vũng nước mưa còn đọng trên mặt đất… Bao tối mất điện muốn mát thì quạt mo, muốn sáng thì đèn dầu. Khi lớn lên một chút, vài lần con bé ấy cùng mẹ bơi xuồng kiếm đàn vịt mà mẹ nuôi, chúng đang rong chơi ở một hóc hẻo nào đó quên đường về, bé đưa bàn tay xuống dòng sông để làn nước mát lành kia lướt lấy da thịt, rồi ngước mặt lên cao uống trọn cả bầu trời xanh ngát. Có những hôm, đi chơi từ sáng đến chiều, rồi những chiều tụ tập với mấy đứa nhỏ trong xóm nào là Tèo, Chuột, Nhí. Những đứa trẻ ngày ấy có một nguồn năng lượng vô hạn, đôi chân thoăn thoắt trọn ngày quanh xóm, sức vẫn thừa. Những ngày chơi đồ hàng hoa cỏ, bánh mì lục bình, còn trung thu ông sao – đốt đèn. Nơi đôi mắt ấu thơ chẳng phải một mà đầy kính vạn hoa. Con bé ấy còn lắm trò tinh nghịch, nó canh khi cha mẹ nó mần cỏ, nó lén lấy nón vụt thoắt xuống mương ranh rồi giả vờ như không biết gì, nó canh mẹ nó bó xong bó lá dừa khô , chặt tỉa gọn gàng rồi nó nhảy lên để bó lá bung bẩy ra… Rồi những lần nó cố tỏ ra dáng đã lớn, con bé thấy mẹ nó gọt rau củ cũng hăng hái xông vào với câu cửa miệng: “Để con, để con…”, nó đứt tay, nó khóc oe óe lên, và mẹ thì: “Nói rồi mà hỏng nghe”. Cái gì cũng “để con” rồi làm được năm phút là chóng chán: “Trả lại mẹ”.
Sung sướng nhất chắc chắn là khi Tết đến, hăm bảy, hăm tám không khí Tết mới rộn ràng mà từ lúc mảnh vườn hoa thọ, hoa cúc mới he hé nhụy vàng cỡ hạt sen nó đã nôn nao trong dạ cái hương Tết xanh mơn, tròn đầy, lạnh da mà lại ấm lòng. Nó cũng như bao đứa trẻ khác, háo hức được sắm áo mới, được trông thấy chợ quê tấp nập người xe, ngắm mai, ngắm cúc, tròn xoe đôi mắt trước những trái dưa hấu tròn ủm tổ chảng hay trái dưa hoàng kim sắc vàng sáng chói – một thứ đặc sản chỉ chợ gần Tết mới có. Tết miền Tây vẫn thịt kho, củ kiệu nhưng mỗi bàn tay người mẹ lại có “chất” hương vị khác nhau, làm đứa trẻ khi ấy không thể nào nhầm lẫn hương vị món ăn của mẹ mình. Vì thế, không chỉ cơm canh cá thịt mà chính bàn tay mẹ khéo léo đảm đang làm nên Tết. Vị tết quê hương không bao giờ quên được. Cái đất Bến Tre hiền dịu nuôi lớn lắm trái ngọt hoa thơm. Những tán dừa đã làm nên thương hiệu và những món ăn đã trở thành đặc sản. Tiết mục trước Tết là phải sên được hủ mức dừa vừa chuẩn ngon. Hạnh phúc biết bao nhiêu vì ngần ấy năm được ăn món ăn mẹ nấu. Cả món ăn thiệt và món ăn chơi nơi đây đa số có nguyên liệu từ dừa, chỉ riêng dòng nước cốt dừa trắng muốt tuôn chảy đã làm nên bao nhiêu thứ mĩ vị trên đời: từ cà ri, bánh canh ngọt, bánh canh mặn, bánh xèo, bánh khọt, bánh bò, bánh cụt, bánh ít, bánh chuối, tới rau câu, chè,… Có lẽ và ắt hẳn, khi nào còn ăn được món ăn mẹ nấu là còn đậm đà hai tiếng “quê hương”.
Suốt khoảng trời tuổi nhỏ, tôi được dạo chơi trong quê hương, được cha chở che, được mẹ âu yếm dịu dàng, và bây giờ vẫn thế. Và hai tiếng “quê hương” đã khắc tạc vào lòng tôi vĩnh hằng. Tuổi thơ, kỷ niệm đã thầm định nghĩa trong tôi một đường chân…: còn và không hết…
Vô giá diệu kì!
Tên thí sinh: Lê Thị Thúy Kiều
Học sinh lớp 12, trường THPT Trương Vĩnh Ký
Quê quán: Bến Tre