Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”Ca dao Việt Nam
“Đường vô xứ Huế” uốn lượn, khúc khuỷu và hiểm trở. Muốn đến Huế ta cần vượt dãy Hoành Sơn và đi qua đèo núi trập trùng. Nhưng sau khi hoàn thành chặng đường xa xôi, bạn sẽ thấy thật khó để giữ mình không khỏi choáng ngợp và rung động trước thiên nhiên hữu tình cùng con người đôn hậu nơi đây! Hôm nay Yên Văn sẽ cùng bạn khám phá những trải nghiệm sông Hương - núi Ngự - đặc trưng thiên nhiên xứ Huế!
Sông Hương là dòng sông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, chảy qua thành phố Huế, kéo dài tới phá Tam Giang trước khi ra chảy cửa biển Thuận An. Nhắc đến sông Hương, không thể không nhắc tới núi Ngự Bình – một ngọn núi hình thang, trên đỉnh núi bằng phẳng, giống với dáng vẻ của một bình phong. Nếu sông Hương mang dáng vẻ yên ả, nhẹ nhàng, thì núi Ngự lại mang vẻ đẹp hùng vĩ. Hai thắng cảnh này chính là biểu tượng thiên nhiên của xứ Huế, mang đến cho vùng đất cố đô một vẻ đẹp mà chẳng nơi nào có được.
Trong văn học, vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình” của bộ đôi “kiệt tác thiên nhiên” sông Hương – núi Ngự đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Một trong những tác phẩm văn học bất hủ về dòng Hương giang chính là “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường – áng văn khắc họa vẻ đẹp của dòng sông trên nhiều khía cạnh. Phong cảnh hữu tình ấy cũng được tái hiện trong tùy bút “Ca Huế trên sông Hương” của Hà Ánh Minh, cùng với làn điệu ca Huế du dương, tạo nên khung cảnh hết sức lãng mạn. Qua đó, độc giả thấy được một sông Hương không chỉ mang vẻ đẹp nên thơ, mà còn gắn liền với văn hóa và con người xứ Huế.
Để bạn thấy rõ hơn dấu ấn của sông Hương – núi Ngự trong văn học Việt, Yên Văn xin trích ra một vài đoạn thơ, văn về nơi này.
Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng…
Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường
Khác với những dòng sông khác tại Việt Nam, sông Hương nằm trọn vẹn trong thành phố của nó. Sông Hương – Huế gắn bó sâu đậm, tô điểm vẻ đẹp cho nhau. Như một bản trường ca bất tận của thiên nhiên, dòng Hương Giang mang một sức sống mãnh liệt, hùng tráng nhưng cũng rất đỗi dịu dàng, trữ tình. Các tính từ đặc tả xuất hiện liên tục trong câu văn dài như nhấn mạnh thêm âm vang xa xăm, bất tận của dòng chảy.
Hình ảnh sông Hương – núi Ngự (Ảnh: Internet)
Sông Hương không chỉ gây ấn tượng với vẻ đẹp cảnh sắc mà còn ghi dấu đậm nét trong lòng người ghé thăm bởi sự gắn bó sâu đậm với ca Huế.
Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông trăng gợn sóng. Con thuyền bồng bềnh. Đêm nằm trên dòng Hương thơ mộng để nghe ca Huế, với tâm trạng chờ đợi rộn lòng. Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hoà tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, lon từ g hổ du dương, trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế…
Ca Huế trên sông Hương - Hà Ánh Minh
Những thanh âm du dương của ca Huế khiến cho không gian buổi đêm thanh vắng, tĩnh mịch trên sông Hương càng thêm phần lãng mạn. Tác giả cũng liên tục sử dụng các từ láy tượng thanh, vừa giúp người đọc có những cảm nhận chân thực về ca Huế, vừa khiến cho lời văn thêm ngân nga, vang vọng, đi vào sâu thẳm lòng người.
Trải nghiệm nghe ca Huế trên sông Hương (Nguồn: Youtube)
Huế thanh cảnh, nên thơ ấy nhưng cũng rất mực bình dị trong những vần thơ Tố Hữu:
Anh cùng em, lại về thăm Huế
Huế quê mình, núi Ngự sông Hương
Ta lại đi, theo những nẻo đường
Về với tuổi xuân xanh, thuở ấy…Một tiếng đờn - Tố Hữu
Quê hương trong mỗi người sẽ đều mang sắc màu riêng biệt, chất chứa những câu chuyện với cảm xúc khác nhau. Nhưng tựu chung lại, quê hương là một chốn để trở về. Huế trong lòng nhà thơ Tố Hữu là những con đường thân quen, về với quê hương là về với những kí ức tươi đẹp của quá trình trưởng thành, của một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết. Tác giả đã khéo léo sử dụng các đại từ xưng hô thân mật, gắn bó “anh”, “em”, “ta” để gửi gắm tình cảm tha thiết, chân thành với quê hương và con người nơi đây.
Đọc đến đây, bạn có đoán được mục đích khi Yên Văn in đậm những cụm từ không? …Đây chính là những từ ngữ mà Yên Văn đề xuất cho các bạn để bổ sung vào bộ từ vựng Tiếng Việt khi viết về thiên nhiên. Bên cạnh đó, để cải thiện kĩ năng viết, chúng ta cần rèn luyện thói quen đọc chất lượng và tập trung phân tích cách dùng từ của tác giả nữa nha!
Mùa hè này, mời bạn ghé thăm xứ Huế, du ngoạn trên dòng sông Hương về đêm, đắm chìm trong khung cảnh lung linh và những làn điệu ca Huế ngọt ngào nhé! Yên Văn tin rằng đó sẽ là một trải nghiệm khó quên!
Đội ngũ Yên Văn