Cô Triệu Nguyễn Huyền Trang từng là sinh viên Học viện Ngoại giao và hiện đang là giảng viên khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại tại chính ngôi trường này. Cô được nhiều học sinh biết đến với dự án giáo dục “Văn học – Yêu lại từ đầu” trên YouTube và series podcast phát triển bản thân trên Spotify. Bên cạnh đó, cô Trang còn là người sáng lập Yên Văn – doanh nghiệp xã hội với hy vọng đổi mới dạy và học môn Ngữ văn.
1. Học văn chủ động từ tiểu học
Theo lời chia sẻ, cô Trang đã hình thành thói quen học tập chủ động từ những năm cuối bậc tiểu học. Thời điểm này, học sinh lớp 5 đã học cách viết các bài văn ngắn. Mặc dù đã đọc nhiều sách và chăm chú nghe giảng nhưng viết văn vẫn là thử thách với hầu hết các bạn. Cô Trang lúc này theo học đội tuyển Học sinh giỏi và điểm số chỉ dừng lại ở 6,7. Sau nhiều lần suy nghĩ, cô đã “đánh liều” lên gặp giáo viên dạy tiếng Việt để nhờ hướng dẫn chi tiết hơn.
Đề bài miêu tả đàn gà đúng không? Trưa về nhà, em không ngủ mà ra sân quan sát đàn gà rồi hãy viết nhé! Gà có đàn, có gà mẹ gà con, khi viết em hãy nghĩ đến gia đình em để tìm ra sự giống nhau.
Cô Thắng, giáo viên trường Tiểu học Triệu Đề
Lời khuyên của cô giáo đã thay đổi thói quen làm văn của học trò. Sau đó, bài viết đạt 9 điểm và được đọc to trước cả lớp. Cũng từ đây, cô Trang nhận ra rằng việc học Văn cần có sự chủ động và sáng tạo. “Chủ động” là tự mình biết nên hành động như thế nào để giải quyết vấn đề và nhu cầu, không bị chi phối hay dựa dẫm vào những yếu tố bên ngoài. Học chủ động đơn giản là người học sinh tự mình suy nghĩ, tự học, tự trau dồi tri thức để giải quyết trở ngại trong học tập và đạt được mục tiêu. Chẳng hạn, trên lớp chỉ học 1 đoạn trích Dế mèn phiêu lưu ký nhưng về phải tìm đọc hết cả cuốn sách. Thầy cô dạy về các thể thơ, dù không ai bắt nhưng về nhà vẫn làm một vài bài thơ để luyện tập…
Lên gặp cô giáo để nhờ giảng lại bài là chủ động, tự suy nghĩ để viết văn chứ không chép từ văn mẫu cũng là chủ động. Được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp từ giáo dục nên khi trưởng thành, cô Trang ấp ủ mong muốn lan tỏa tinh thần học tập chủ động tới học sinh.
2. Chủ động tạo ra sự thay đổi với "Văn học - Yêu lại từ đầu"
Tháng 11/2021, dự án giáo dục “Văn học – Yêu lại từ đầu” ra đời. Đây là dự án phi lợi nhuận mà cô Trang sáng lập và vận hành để thúc đẩy quá trình thay đổi tư duy khi học Văn, ôn thi và làm văn nghị luận. Và đây là lý do:
Đi dạy tiếng Pháp rồi thấy học sinh viết luận dở quá, mình tìm hiểu rồi phát hiện ra “học sinh dở cả tiếng Việt”. Đang trăn trở tìm giải pháp thì một chiều mùa hè, có em học sinh qua nhà mình để ôn bài. Bỗng nhiên, em lôi vở văn ra và học thuộc 1 đoạn về giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ. Hỏi ra thì em bảo do không hiểu nên học thuộc cho xong, với cả “bạn bè con tất thế mà cô”. Lúc đó mình sốc thật sự, dặn lòng là phải làm gì đó để thay đổi…
Sau gần 2 năm, dự án đã có những thành công bước đầu. Gần 10.000.000 lượt xem trên YouTube, hơn 150.000 lượt nghe trên Spotify. Đã có lúc, kênh podcast Văn học – Yêu lại từ đầu đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng podcast được nghe nhiều nhất tại Việt Nam. Những con số ấn tượng chứng tỏ rằng các em học sinh, phụ huynh và cả giáo viên – mọi người đều đang nỗ lực để tìm lại giá trị thực chất của việc học Văn.
Đi một vòng lớn, vẫn thấy mình gắn bó cùng văn học!
Cô Trang chia sẻ rằng càng học lên cao, cô càng nhận ra sự thú vị của các ngôn ngữ, giữa chúng đều có mối tương quan. Vì vậy, học tốt tiếng Việt và Ngữ văn là nền tảng học tốt ngoại ngữ. Học Văn giúp phát triển năng lực giao tiếp, góp phần hình thành văn hóa đọc và kỹ năng viết, nhờ đó mà chúng ta có thể làm rất nhiều công việc. Tựu chung lại, môn Ngữ văn rất quan trọng và đổi mới môn Văn theo hướng chủ động, sáng tạo là việc cấp thiết, nhưng một mình Triệu Nguyễn Huyền Trang thì không làm được gì nhiều…
3. Yên Văn ra đời để tất cả cùng chủ động!
Là tuýp người “muốn sẽ tìm cách”, cô Trang đã sáng lập doanh nghiệp xã hội Yên Văn vào cuối năm 2022. Đây là nơi tập hợp đội ngũ những người cùng mối quan tâm tới giáo dục, bao gồm người thân, bạn bè, sinh viên từ các trường học… để cùng thực hiện nhiều dự án hơn.
Yên Văn là doanh nghiệp xã hội với mục tiêu thúc đẩy quá trình đổi mới dạy và học môn Ngữ văn. Ở Yên Văn, các bạn sẽ thấy văn học có tính thực tiễn, tính ứng dụng rất lớn. Nhờ văn học, mỗi người sẽ có cách cân bằng cảm xúc và tìm được sự bình yên từ bên trong. Từ đó, chúng ta sẽ tiếp cận với môn học bằng một thái độ và phương pháp khác.
Cô Trang và thiệp văn học Sức Trẻ của Yên Văn.
Bạn có thể ủng hộ Yên Văn bằng cách mua thiệp văn học và tham gia cuộc thi viết sáng tạo "Muôn Sắc Quê Hương". Chân thành cảm ơn bạn!
Đội ngũ Yên Văn