Tôi đã run, lồng ngực như đang siết chặt, vừa hay nhịp gõ chữ trên bàn phím như một chú rùa ngủ quên chạy đua với nhịp tim đập… Bởi lẽ, nghĩ về quê hương, tôi đem tấm lòng “kính mến” nhất; viết về quê hương, đâu chỉ đôi lời văn “tả” hết nỗi lòng. Giống như đứa con ngoan tập làm văn với tựa đề: “Hãy kể về mẹ của em”, tôi nơm nớp lo sợ nếu bảo mẹ em không phải người đẹp nhất, và “lỡ” nhắc thói xấu của mẹ. Nhưng mẹ đã dạy rằng: “Chỉ cần con có đủ bản lĩnh, đủ kiên cường, giông bão-chỉ là chuyện nhỏ, vạn sự trên đời-nhỏ. Con vẫn là con.” Và núi cao, rừng thiêng, máu đỏ bazan, sống trên đất “mẹ”, nhớ lời mẹ dạy sẽ tôi luyện nên những người con mang dáng dấp cao nguyên Pleiku hùng vĩ. Cúi đầu, vòng tay: “Xin chào Gia Lai !”. Vẫy tay, ôm trọn: “Gia Lai ơi !”.
Chuyến xe số 01: Tôi và những con người.
Tôi không hay gọi kiểu vậy, đúng hơn là chẳng bao giờ, “Gia Lai ơi”- nghe kỳ lắm. Ấy vậy mà một bác “hiểu biết” đã cho tôi nguồn cảm hứng sâu sắc, bác Hiểu. Bác đã gọi tuổi thơ tôi: “Kbang ơi !”. Nói nôm na, quê nhỏ tôi là Kbang-huyện thuộc phía Đông tỉnh Gia Lai, còn quê lớn hẳn là Gia Lai. Chữ “ ơi” là một thanh âm trong trẻo cất giữ trong trái tim, chọn thời, bao trùm Gia Lai một bầu thời đầy thương nhớ. Dường như con người thường lãng quên vẻ đẹp của những điều thân thương, và tôi cũng vậy. Một bữa cơm, một mùi hương, một con đường lại trở nên “ đầy thi vị” trong đôi mắt người khách phương xa. Và bác đã đàn, tôi thấy một tay chơi đàn lão luyện đóng vai một bậc thầy thư pháp hoạ bức sơn thủy tuyệt đẹp:
Em đẹp thế Pleiku ơi trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy
Có hàng thông xanh trong đôi mắt em
Có dòng Sê San trong đôi mắt em
Có hương rượu cần say men say men
Có ngọn lửa nào đang nhen đang nhen chơi vơi…Đôi mắt Pleiku - Nguyễn Cường
Một cơ duyên nào đó khiến tôi gặp những con người “đặc biệt”. Một chiều 28 tháng 5, xã Kroong, huyện Kbang. Tôi cùng đoàn thanh niên tình nguyện Hoa phượng đỏ đã hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản: nam đào hố rác, nữ dọn đường,… Ngặt nỗi địa điểm chúng tôi trú lại không có nước để vệ sinh, đòi hỏi “tinh thần ngoại giao” của mỗi người. Thế nên, chúng tôi tìm đến một căn nhà ván ép đơn sơ, trước nhà có bãi cỏ xanh mướt, một, hai chú bò, một con heo đen ngoe nguẩy cái đuôi kêu inh ỉnh, đàn chó chạy lăng xăng vui mắt. May mắn chị chủ nhà rất niềm nở và đồng ý cho chúng tôi “tắm nhờ”. Rồi một khoảnh khắc nọ, tôi thấy chị cười thật tươi. Nụ cười ấy càng tỏa sáng hơn vào giây phút chị quây quần bên chồng cùng hai đứa trẻ. Đâu đó lại lấp lánh đôi mắt trong veo khi chúng tôi dành cho các em mấy cây kẹo như một món quà tạm biệt. Đến bây giờ, tôi vẫn băn khoăn điều gì làm mọi người trông hạnh phúc đến thế, chí ít tôi cảm nhận được sự yên bình và giản dị của một chiều trường trường yên ả.
Căn nhà của chị cho chúng tôi “tắm nhờ”
Chuyến xe số 02: Gia Lai và những mảnh ký ức.
Tôi biết cảnh đẹp Gia Lai có nhiều lắm, tôi có thể dẫn bạn đi phượt thác K50, vi vu nơi đồi thông hay dành một chiều ngắm hoàng hôn nơi Biển Hồ. Nhưng sau tôi xin không nhắc tên những địa danh ấy bởi lẽ một cái tên không làm bạn trải nghiệm nhiều hơn, chỉ có những giác quan mới là thước đo sống động nhất.
Và nếu bạn có dịp đến Gia Lai vào dịp ấy, đừng quá than phiền với mấy đoạn đường. Người ta đang thi công đường quốc lộ với mấy cây cầu, thi thoảng “chậm” đi một nhịp cũng tốt đấy chứ. Chậm để tìm một vì sao mang tên bạn trên bầu trời đêm thăm thẳm hay bắt gặp cánh đồng mía vào dịp trổ bông như vườn hoa lavender kiểu Pháp. Và nếu bạn tìm ra những cây “cô đơn”, tôi tin rằng bạn thực sự tuyệt vời. Loài cây ấy kiên định bám rễ bên vách núi, bên con dốc con ngút trời và chỉ sống “ một mình”, có khi đã già thành “cổ thụ”. So sánh tuổi của thiên nhiên với con người có lẽ là hành động vô nghĩa nhất tôi từng thấy, mà tôi đang làm, vì điều gì thể hiện dưới phép tính đều đơn giản và dễ nhìn hơn. Dòng sông quê nhỏ của tôi cũng già rồi đấy, đó có lẽ là độ tuổi vượt xa con người chừng thiên niên kỉ. Từ thượng nguồn núi non hùng vĩ, uốn lượn qua bao rừng cây đại ngàn mang dòng nước mát lành với dưỡng chất trù phú che chở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, sông Ba chứng kiến những trầm tích của lịch sử, những bước ngoặt thay đổi lớn lao của một cộng đồng dân cư, và sự phát triển của quê hương như ngày nay.
Tớ đi đồi thông vào trưa ngày nắng gắt. Thế nhưng, một bức ảnh ngẫu nhiên trông thực thoải mái và dễ chịu. Cây che trời và che luôn nỗi buồn bực trong lòng.
Thú thực, “Gia Lai và những mảnh ký ức” ấy có bụi bay tứ phương, màng nhện chồng chất của băng cát-sét lâu chưa sử dụng. Có đoạn tôi bảo quản tốt nên thước phim còn sống động, ngược lại thì chỉ còn mảng màu trắng-đen thế nên xin bạn đừng “chê”. Sẽ thật tuyệt nếu bạn sắm cho mình một chiếc máy ảnh lưu giữ thước phim của riêng bạn trên hành trình khám phá Gia Lai chúng tôi!
Sương sớm nơi đỉnh núi (Xã Kroong, huyện Kbang). Tờ mờ sáng ở một vùng đất lạ, tớ cùng bạn bè thích thú đi khắp nơi. 5 giờ sáng, cảm nhận cái lạnh của rừng già và không gian thơ mộng, kỳ ảo. À sau đó, nắng sớm chiếu qua lớp sương, đẹp lắm nhưng làm tan sương nên tớ không chụp kịp.
Tôi nghĩ rằng mình sẽ còn tiếp tục nhiều chuyến xe khác nữa trong hành trình “tìm về bản thân của một đứa trẻ đang tập lớn”. Nhưng bao nỗi lo cứ thổn thức trong tôi: Mỗi mùa khô, mùa mưa qua đi, quê hương tôi già thêm một tuổi. Tôi thấy người mẹ này dường như “trầm” hơn, trầm cho những sự đổi mới, trầm cho giữ bản sắc văn hoá vẹn nguyên. Nếu vẻ đẹp của quê hương “trầm” để in dấu những mảng màu đậm nét nhất, thì xin mỗi người con của quê hương nguyện làm nốt “luyến”, rèn trí tuệ, rèn tài năng cất lên nốt nhạc cao vút để khúc nhạc quê hương thêm phần rộn rã. Và tôi, chắc chắn mình sẽ thực hiện được điều ấy, còn bạn?
Tên thí sinh: Mai Nhi
Tuổi: 16
Quê quán: Gia Lai