“Đây là tiếng nói việt nam…”
“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…”
Cứ sáu giờ sáng, các kênh sóng radio của Đài Tiếng nói Việt Nam lại vang lên câu nói kinh điển này, với giọng nữ sang sảng và tròn vành rõ chữ đã đi vào ký ức của biết bao lớp người Việt. Không ít người Hà Nội coi lời hiệu triệu này, cùng đoạn nhạc nền “Diệt phát xít” đi kèm với nó như một tiếng chuông báo thức, một dấu hiệu để nhắc nhở họ rằng một ngày mới đã lại bắt đầu trên đất Thủ đô.
Tôi sinh ra ở Hà Nội, và cũng lớn lên với câu báo thức huyền thoại ấy như bao nhiêu người Hà Nội khác. Nhưng bẵng đi một thời gian, nhiều biến cố xảy ra khiến tôi chuyển tới nơi khác học tập và sinh sống, rồi lại trở ra Hà Nội để bắt đầu một chương mới của cuộc đời. Tôi như đứa trẻ lớn lên những năm đất nước oằn mình trong chiến tranh, đi sơ tán mấy năm về để nhìn những thứ tưởng chừng như quen thuộc xung quanh mình bằng đôi mắt hết sức khác lạ. Bỗng nhiên, Hà Nội với tôi đã không còn gói gọn trong câu báo thức phát ra từ cái radio cũ nữa.
Tuổi hai mươi đã bắt tôi phải nhìn thấy một Hà Nội rất khác. Với tôi, Hà Nội giờ đây chỉ còn là những buổi tối rất muộn tôi bắt chuyến xe bus cuối cùng về nhà, là tô phở ăn vội ăn vàng cho kịp giờ làm việc, là những chiếc xe bus khi chật khi thưa nhưng không lúc nào thôi hối hả, là những áp lực không hồi kết của những ngày tháng chập chững bắt đầu tập làm người lớn. Có lúc, những áp lực đó đã khiến tôi quên mất câu hỏi mà “thằng bé nghe đài” ngày xưa đã từng tự hỏi mình mỗi sáng, rằng: “Điều gì đã làm nên ‘tiếng nói Việt Nam’ của Hà Nội?” Thế là, tôi dành hẳn một ngày cho riêng mình, tắt toàn bộ thông báo và công việc, xách ba lô lên và đi tìm khắp nơi xem Hà Nội thật ra có còn gì đẹp mà mình chưa biết không.
Tôi tìm thấy Tháp Rùa đứng trơ trơ như một bảo chứng cho những điều còn mãi ở Hà Nội, giữa những tòa nhà cao tầng mọc lên chi chít xa xa. Tôi tìm thấy một bà cụ bán phở đã đứng quán 40 năm, chẳng cần phông bạt khang trang hay quảng cáo “phở gia truyền đặc biệt” mà vẫn bán đắt như tôm tươi, thính lực đã không còn tốt nhưng vẫn tự mở tài khoản ngân hàng và dán mã QR cho khách tiện chuyển khoản. Tôi tìm thấy một bác thợ khóa, giờ đây cũng đã nhận đánh thêm cả thẻ từ chung cư, ở thời buổi những tòa cao ốc cứ mọc lên như nấm sau mưa. Tôi tìm thấy những khu tập thể quân đội oai nghiêm, trật tự của “phố nhà binh” Lý Nam Đế, những “Quân khu Nam Đồng” khét tiếng thuở nào giờ đây lọt thỏm giữa những quán nước, tiệm đồ điện tử hay hàng cắt tóc xung quanh. Tôi tìm thấy một quán cà phê mới mở được vài năm, sát bên những tiệm sách cũ chẳng biết đã tồn tại từ bao giờ ở phố sách Đinh Lễ. Tôi tìm thấy những hàng tò he đủ màu sắc, với những nhân vật hoạt hình vốn là sản phẩm của điện ảnh nước ngoài, lại được nặn bằng đất sét và bày bán bên bờ Hồ Gươm, ngay trước tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vinh danh những người lính Thủ đô chiến đấu kiên cường đẩy lùi giặc ngoại xâm…
![hà nội](https://yenvan.edu.vn/wp-content/uploads/2023/10/374203019_268402092808136_8561914691572084829_n.jpg)
“Phố nhà binh” Lý Nam Đế (Ảnh tác giả tự chụp)
![](https://yenvan.edu.vn/wp-content/uploads/2023/10/372826959_268402209474791_7727603575480307255_n-1.jpg)
Những hàng tò he màu sắc (Ảnh tác giả tự chụp)
![hà nội](https://yenvan.edu.vn/wp-content/uploads/2023/10/372988534_268402146141464_7959358523657924420_n.jpg)
Tiệm đồ ven đường (Ảnh tác giả tự chụp)
Hà Nội là như vậy. Truyền thống không tách rời đổi mới, bảo thủ hòa lẫn cùng năng động, trật tự được ngầm quy ước trong hỗn loạn xô bồ, “thành phố vì hòa bình” nhưng bún mắng cháo chửi cũng thành văn hóa. Trong cái nhịp sống ồn ào chung của thành phố, lại có những góc nhỏ vô cùng tĩnh lặng, những con người ung dung tự tại đến lạ thường với những khuôn khổ và nguyên tắc của riêng mình, những người luôn khiến tôi nghĩ đến cô Hiền trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải tôi từng đọc thời đi học. Trong bầu không khí chung của một Hà Nội “nghìn năm văn hiến”, ai cũng có những câu chuyện của riêng mình, dù là dân Hà Nội gốc hay người tứ xứ đến Thủ đô làm ăn. Trong cái “dữ dội và dịu êm” ấy, bà bán phở cũng có câu chuyện của riêng bà bán phở, chị lao công cũng có câu chuyện của riêng chị lao công, bác thợ khóa cũng có câu chuyện của riêng bác thợ khóa. Và cây táo vẫn cứ nở hoa, dù cuộc đời không thiếu chuyện xấu xa, dù Hà Nội vẫn còn ngổn ngang những đẹp và chưa đẹp.
Tất cả đều bắt đầu vào lúc sáu giờ sáng, khi “tiếng nói Việt Nam” vang lên từ những chiếc radio…
Tên thí sinh: Lương Thế Minh
Sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao
Quê quán: Hà Nội
![](https://yenvan.edu.vn/wp-content/uploads/2024/11/dachinhsua@1.5x-2.png)
ĐƯA VĂN VÀO ĐỜI 2024 – NHỮNG DẤU ẤN ĐÁNG NHỚ
![](https://yenvan.edu.vn/wp-content/uploads/2023/06/ANH-WEB.png)
Quá trình sáng tạo văn học: Viết để phản tư
Quá trình sáng tạo văn học: Viết để kết nối
![](https://yenvan.edu.vn/wp-content/uploads/2024/01/Hinh-anh-hoc-lieu-ve-Van-hoc-va-lich-su-9Slide.png)