Hải Phòng trong tôi là…

62 Views - (2062 chữ, 6 phút, 52 giây đọc)

Hải Phòng – thành phố biển đầy nắng đầy gió và cũng đong đầy tuổi thơ của tôi, nơi tôi lớn lên, nơi ấy có gia đình của tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, à không giờ nghĩ lại phải là rất nghèo mới đúng chứ, ở làng quê ngoại ô Hải Phòng. Nhà nghèo lắm, mẹ tôi lam lũ khắp nơi, làm rất nhiều việc, vừa làm nông, vừa làm phụ xây phụ hồ, vừa trồng trọt hoa màu, cũng chỉ đủ ba bữa ăn. Còn nhớ năm lên 3-4 tuổi vì nhà quá nghèo, mẹ gửi tôi lên nhà bà ngoại để được ăn no. Tôi chẳng thể nào quên cái mùi bếp thơm nồng, ánh lửa bập bùng và những bữa cơm ấm nóng no đầy nhà ngoại, bàn tay mang theo hơi ấm của mẹ của ngoại mỗi khi đông về, rửa mặt cho tôi bằng chiếc khăn mùi xoa với nước nóng trước hiên nhà. Nhà ngoại to lắm, cách nhà tôi có vài cây số thôi, tôi khoái là nhà ngoại hoa quả đất đai bạt ngàn, mùa nào thức nấy, tôi chỉ rong ruổi cả ngày cùng anh chị em trong xóm và ăn hoa quả nhà ngoại. Giờ nhớ lại tôi vẫn nhớ cái cảm giác dù xa bố xa mẹ nhưng tôi lại chẳng nhớ nhà, tôi chỉ nhớ ngoại, nhớ cái cảm giác ấm áp và hạnh phúc ấy đến kì lạ, chắc bởi tôi được ăn no, được ngủ ngon, và hơn hết là được hạnh phúc đúng nghĩa với tuổi thơ của một đứa bé. Nhưng rồi vài năm qua đi khi bước vào lớp 1, tôi phải theo mẹ về nhà, với hàng ngàn câu hỏi vì sao? Sao chúng ta không lên ở nhà bà ngoại, sao mẹ không ở đây luôn để đỡ phải vất vả cả ngày, và cuối cùng là sao mẹ lại lấy bố?

Cây trái quê hương (Ảnh tác giả tự chụp)

Bố là người khuyết tật, nghe nội kể lại sinh ra bố bị ốm và liệt nửa người, mãi mới có thể đi lại và làm việc được, nhưng cũng chỉ bữa no bữa đói. Mẹ tôi là vợ hai, khi về nhà thì người vợ trước đã ra đi vài năm vì đau ốm cùng một đứa bé gái. Hoàn cảnh khó khăn, bố thì ốm yếu, nhưng lại say xỉn cả ngày, nên mẹ tôi- người phụ nữ vất vả, đã làm việc từ sáng sớm cho tới đêm khuya, tôi thậm chí còn chẳng được gặp mẹ nhiều vì mẹ đi làm suốt ngày. Lúc ấy, tôi chỉ mong những ngày mưa để cản bước chân mẹ đi làm vào sáng sớm, tôi chỉ mong những ngày tết để được sắm quần áo mới đến cả trong giấc mơ cũng mong vậy. Nhưng bởi nghèo quá mẹ tôi chẳng thể làm vậy, bởi nghỉ làm là đói, là không có tiền, nên đã có lúc tôi giận mẹ ngay khi còn là đứa bé cấp một cấp hai bởi tôi nghĩ tôi không được mẹ yêu thương nên mẹ mới đi làm suốt như vậy, những lúc ấy tôi mong được về lại với ngoại, được ăn món mình thích và được mọi người yêu thương như ngày còn bé xíu.

Nhà nghèo, mẹ chẳng mấy khi ở bên, bố thì say xỉn, nên hậu quả là tôi bị ăn đòn suốt ngày, khi thì sai cái nọ, khi thì vì thiếu cái kia. Trời mưa, bố tôi uống rượu thay cho việc phải đi làm kiếm cơm cho tôi, mỗi lúc say ông thường tìm tôi để đánh, để chửi bới, bởi ông thấy cuộc đời bất công nên chắc tìm tôi để trút giận cho cái sự bất công đó. Tôi nhớ những ngày rong ruổi chạy bạt mạng vì bố say rượu đuổi đánh, nhớ những ngày trốn dưới gầm giường vì bố đang gọi tên tôi ầm ĩ đi mua rượu cho ông, và những bữa cơm chan nước mắt nơi góc bếp vì bố tôi đang đập phá trong nhà vì say. Mọi người thường gọi tôi là con bé nhà nghèo, con của một thằng nghiện ngập và tàn tật. Mọi người coi khinh một đứa bé là tôi, bởi vì sao? Bởi cái nghèo, cái đói, cái khốn khổ, cái bất công hay cái cùng cực của một làng quê.

Lúc ấy, tôi đã mong những ngày thơ bé trôi qua thật nhanh, tôi đã mong tôi lớn lên thật nhanh để rời khỏi gia đình này, tôi có thể kiếm được tiền để sống cuộc đời mình muốn, tôi có trí thức để chẳng một ai có thể coi thường mình, bởi tôi muốn rời xa nơi này, nơi tôi sinh ra và lớn lên nhưng lại không hề được yêu thương. Ở nơi ấy, tôi luôn mong mẹ đón mỗi buổi chiều ở lớp học mẫu giáo khi trời mưa như các bạn, để tôi cảm thấy mẹ cũng yêu tôi nhiều biết bao. Ở làng quê ấy, tôi đã mong được bố tôi ôm vào lòng vỗ về mỗi khi tôi bị ai đó bắt nạt và coi thường. Nhưng rồi tôi lại thất vọng vì chính những mong ước nhỏ nhoi đó!!!

Và rồi lớn lên, dù bao nhiêu năm trôi qua nhưng tôi lại không hề nhớ về làng quê của mình, tôi càng ngày càng rời xa, và chẳng mấy khi về đến nhà trừ các dịp lễ lớn, thú thật tôi ít khi nhớ mẹ, nhớ bố. Mỗi khi một khó khăn gì đến, tôi đều tự nhủ rằng mình phải cố gắng cố gắng và vượt qua bởi mình không có ai bên cạnh như bạn bè đồng trang lứa.

Thế rồi, như một cú sốc giáng trời xuống đầu, mẹ tôi bị ung thư vú, tôi thương bà, thương cho số phận hẩm hiu của bà, thương cả tôi nữa, tôi như trôi lênh đênh giữa dòng nước vô định, tôi cảm thấy một mất mát lớn lao vô hình đè lên tim của mình, nó bóp nghẹt lấy tôi làm tôi không thể thở nổi, tôi khóc ròng nhiều đêm, nhưng chưa bao giờ khóc trước mặt mẹ tôi. Tôi rong ruổi cùng mẹ, ra vào bệnh viện K, hết phẫu thuật rồi hoá chất rồi xạ trị, rồi đến ngày mẹ tôi khỏe lại, cười với tôi với cái đầu trọc vì tóc rụng do hoá chất. Tôi chợt bừng tỉnh ra, bởi lòng tôi như đã tha thứ cho bố tôi và cho mẹ tôi và cả chính bản thân của mình.

Tôi nhớ ra bố tôi đã sáu mươi, còn bao nhiêu đâu mà giận hờn, tôi biết rằng mẹ tôi đã già yếu rồi, và mẹ cũng rất thương tôi.

Tôi nhận ra mình yêu bố mẹ vô cùng, chỉ mong bố mẹ khỏe mạnh, thì dù ra sao tôi cũng sẽ vượt qua được. Và cái khoảnh khắc ấy, tôi lại nhớ về làng quê nhỏ của mình da diết, tôi chẳng nhớ ai đã coi thường và cười khinh mình, chẳng nhớ ai đã khinh rẻ tôi vì cái nghèo cái mạt hạng. Tôi cũng chẳng nhớ đến những trận đòn roi và những lần hành hạ tôi trong cơn say của bố, tôi cũng quên dần những buổi sáng ngủ dậy không thấy mẹ đâu.
 
Tôi nhớ da diết ánh chiều tà trên cánh đồng làng quê của mình mỗi ngày đi làm đồng về, nhớ bữa ăn của mẹ mỗi tối, dù mặn dù nhạt, dù giản đơn hay đầy đủ, nhớ từng con đường, nhớ từng hàng cây và nhớ gia đình của tôi thật nhiều.
 
hải phòng

Hoàng hôn quê hương (Ảnh tác giả tự chụp)

Làng quê trong tôi, gia đình trong tôi, dù tôi biết đã muộn màng nhưng ngày nào còn cha còn mẹ, là còn làng quê, là còn nhà phải không ạ?

Tên tác giả: Nguyễn Hoàn

Nghề nghiệp: Bác sĩ

Quê quán: Hải Phòng

thiệp văn học

Bộ sưu tập mới nhất

Bộ sưu tập Đồng Hành

BST "Đồng Hành" với 8 tấm thiệp từ 8 trích dẫn đắt giá sẽ giúp bạn "mượn thơ tỏ lòng". Đó là những câu chúc mừng sinh nhật, mừng thành công; những lời tri ân, an ủi; những lời yêu thương ngọt ngào hay lời nhắn trước khi chia xa...

Học liệu tinh gọn

Từ những nhân vật văn học và câu chuyện thú vị, học liệu của Yên Văn sẽ cùng bạn rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và thực tiễn cuộc sống, đồng thời cải thiện kỹ năng viết thật hiệu quả!

Thư viện số

Chuỗi bài hướng dẫn học tập cùng Yên Văn sẽ giúp các bạn tìm ra cách học phù hợp nhất với bản thân và học tập đạt hiệu quả cao nhất.

Hoạt động xã hội

Chuỗi bài hướng dẫn học tập cùng Yên Văn sẽ giúp các bạn tìm ra cách học phù hợp nhất với bản thân và học tập đạt hiệu quả cao nhất.

Kết nối với Yên Văn

Hãy chia sẻ một đoạn thơ/trích dẫn đắt giá trong văn học với Yên Văn nhé!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *