Văn xuôi được phép không mười phần hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích. (*)
(Mấy ý nghĩ về thơ - Nguyễn Đình Thi)
Vì thơ ca toàn bích nên phân tích thơ cũng không thể quá hời hợt! Một tác phẩm hay cần một người có năng lực cảm thụ sâu sắc. Liệu bạn có muốn trở thành một độc giả nhạy cảm và nhìn thấu vẻ đẹp của thơ ca? Yên Văn khuyên bạn hãy tập trung vào từ ngữ có chứa hình ảnh biểu tượng. Sau đây là 3 bí mật để bạn phân tích biểu tượng thơ thêm “mượt mà”.
Bí mật đầu tiên: Một hình ảnh biểu tượng luôn có nhiều hơn một ý nghĩa
Bạn biết “sóng” chứ?
► Trong từ điển tiếng Việt, “sóng” là danh từ, chỉ “hiện tượng mặt nước dao động, dâng lên hạ xuống trông tựa như đang di chuyển, chủ yếu do gió gây nên”.
►Nhưng trong thơ Xuân Quỳnh, “sóng” là tâm tình luôn xao động của người con gái khi yêu; là muôn vàn cung bậc xúc cảm khi “dữ dội và dịu êm”, khi “ồn ào và lặng lẽ”; là khát vọng về một tình yêu bất tử “ngàn năm còn vỗ” trước tình yêu.
►Bước vào “Tràng giang” của Huy Cận, “sóng” lại gợi đến nỗi buồn da diết, triền miên không dứt như lòng người lan tỏa vào dòng nước.

Hình ảnh biểu tượng “sóng” trong thơ ca
Ví dụ vừa rồi cho bạn thấy sự đa tầng của biểu tượng trong thơ ca. Chỉ cần dùng từ ngữ đắt để xây dựng biểu tượng, thơ đã thêm phần hoàn hảo. Quá trình phân tích, cảm thụ sẽ dễ hơn nếu bạn rèn luyện tư duy hình tượng và tư duy logic.
Đầu tiên, khi đứng trước một hình ảnh trong thơ ca, bạn hãy lục lại ký ức xem đã từng gặp ở đâu chưa? Theo bạn, hình ảnh đó gắn với điều gì và mang đến cảm nhận gì? Lửa thì nóng, gió thì lạnh, ánh trăng dịu mát… Sau đó, hãy liên hệ tới bối cảnh thơ và mạch cảm xúc trong bài. Khi xâu chuỗi thông tin để hiểu ý nghĩa mới đằng sau, đó cũng bước áp dụng tư duy logic!
Bí mật thứ hai: Một hình ảnh biểu tượng thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm
Hãy cùng nghĩ tới “con cò” – danh từ xuất hiện trong nhiều bài thơ và cũng là biểu tượng phổ biến trong văn học nghệ thuật. Trong thực tế, con cò rất quen thuộc với nông dân Việt Nam. “Cò” lặn lội kiếm ăn khi đêm xuống trong những câu hát ru gợi tới hình ảnh người nông dân quanh năm bươn chải trên đồng ruộng:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao(Con cò - Chế Lan Viên)

Hình ảnh biểu tượng “cò” trong thơ Chế Lan Viên
“Cò” trong “Con cò” của Chế Lan Viên tượng trưng cho người mẹ tần tảo sớm hôm và tình mẫu tử thiêng liêng:
Dù ở gần con,
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con(Con cò - Chế Lan Viên)
“Cò” trong “Thương vợ” của Tú Xương lại nhắc nhớ đến hình ảnh người vợ lam lũ, không quản ngại hy sinh cho gia đình:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
(Thương vợ - Tú Xương)
Vậy nên, phân tích một từ ngữ có chứa biểu tượng thơ, các bạn hoàn toàn có thể liên hệ tới các tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật khác từ văn học, hội họa tới âm nhạc… Bạn vừa có thêm những góc nhìn mới để bài viết thêm độc đáo, vừa làm rõ hơn dấu ấn sáng tạo của từng tác giả.
Bí mật thứ ba: Hình ảnh biểu tượng trong thơ ca bắt nguồn từ văn hóa
Cùng nhớ lại hình ảnh “bếp lửa” trong bài thơ cùng tên của Bằng Việt:
Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…(Bếp lửa - Bằng Việt)

Hình ảnh biểu tượng “bếp lửa” xuất phát từ văn hóa xưa
Theo từ điển, “bếp” là danh từ, chỉ dụng cụ để đun nấu hoặc chỉ địa điểm nấu ăn. Nhờ có bếp, bữa cơm ngon xuất hiện và gia đình gắn kết hơn. Do đó, theo quan niệm của người Việt Nam, “bếp” là trái tim của ngôi nhà. Bếp đỏ lửa tượng trưng cho sự ấm cúng. Trong bài thơ trên, hình ảnh bếp lửa luôn rực cháy xuyên suốt, như minh chứng cho sức sống bất diệt của gia đình và tình yêu thương ngay giữa cái đói mòn mỏi của những năm tháng kháng chiến gian lao.
Một ví dụ khác này! Nhắc đến “trăng”, ta sẽ nghĩ ngay tới sự tròn trịa, dịu dàng và sự vĩnh hằng, bất biến. Xét dưới góc độ khoa học, “trăng” còn ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết, thời vụ, nên “trăng” rất gần gũi với những người đi biển. Vậy nên, “trăng” đã đi vào những câu thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng.(Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)
Trong văn học, các nhà thơ thường sáng tạo thêm những tầng nghĩa mới cho các biểu tượng văn hóa sẵn có trong cuộc sống. Khi phân tích, cần phát hiện những ý nghĩa mới mà nhà thơ đưa vào biểu tượng, đó là dấu ấn riêng của nhà thơ.
—
Mời các bạn tìm hiểu 2 cuốn học liệu tinh gọn của Yên Văn (tính đến tháng 6 năm 2024).
📗 Văn học cách mạng – Theo dấu ước mơ | Giá: 139.000đ
Sách tích hợp kiến thức văn học và lịch sử, giúp mở rộng từ vựng tiếng Việt và rèn luyện kỹ năng viết NLXH. Đọc thử: https://tinyurl.com/ht01read
📗 Theo chân văn học – Đi dọc Việt Nam | Giá: 139.000đ
Sách tích hợp kiến thức văn học và địa lý, giúp mở rộng từ vựng tiếng Việt và rèn luyện kỹ năng viết văn thuyết minh.
📌 Đọc thử: https://tinyurl.com/ht04read
📌 Đặt mua sách qua Shopee: https://shopee.vn/yenvanofficial
📌 Đặt mua sách qua GG Form: https://tinyurl.com/yenvanprinted
Bài tập thực hành:
Mở sách giáo khoa bạn đang học, tìm những từ ngữ chứa hình ảnh biểu tượng mà bạn yêu thích nhất. Càng nhiều càng tốt!
(*) Câu văn này có thể sử dụng như lí luận văn học
Artwork: Midjourney
Đội ngũ Yên Văn