Yen-van-dong-tu-trong-van-hoc

Phân tích thơ nhờ vào động từ trong tác phẩm văn học

619 Views - (1273 chữ, 4 phút, 14 giây đọc)

Thơ ca có giới hạn nên việc tìm từ được thực hiện rất thận trọng và khéo léo. Phân tích thơ nhờ vào động từ trong tác phẩm văn học của Yên Văn sẽ giúp bạn giải quyết nhanh gọn động từ khi viết văn nhé!

Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho nhu cầu đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.(*)

Tiếng Việt đa dạng và phong phú không thua kém bất cứ ngôn ngữ nào, điều quan trọng là ta biết cách chọn lọc những từ phù hợp nhất với mong muốn biểu đạt. Có lẽ các nhà thơ là những người dùng ngôn từ khéo léo bậc nhất, bởi thơ ca có sự giới hạn nên lựa chọn từ ngữ càng phải thận trọng để tác phẩm không chỉ truyền tải đúng thông điệp mà còn đảm bảo luật thơ, mặt khác khẳng định dấu ấn cá nhân. Yên Văn nhắc bạn tập trung vào động từ để phân tích thơ hiệu quả.

Động từ (theo khái niệm SGK tiếng Việt 4 và SGK Ngữ Văn 6) là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật, có chức vụ điển hình là vị ngữ.

Khi dùng động từ hoặc đánh giá cách sử dụng động từ của tác giả, bạn có thể lưu ý 3 đặc điểm chính sau:

1. Cấp độ của động từ: mạnh/nhẹ

► Từ ấy trong tôi nắng hạ/ Mặt trời chân lý chiếu qua tim.

► Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim (Việt Bắc – Tố Hữu).

Bừng (động từ): chuyển trạng thái đột ngột; hiện tượng nào đó xuất hiện nhanh chóng và mạnh mẽ, đến mức có thể thấy được hoặc cảm nhận được rõ ràng (về ánh sáng, nhiệt, …).

Chói (động từ): chiếu sáng mạnh, làm lóa mắt.

Trong khi động từ “có”“chiếu” chỉ thể hiện một sự tồn tại, có mặt của luồng sáng nói chung thì “bừng”“chói” mang đến một tác động mạnh, cảm giác bị ảnh hưởng với áp lực lớn, nhanh và đột ngột, đồng thời ánh sáng ấy phải vô cùng mạnh mẽ, rõ ràng, lấn át tất cả.

2. Sắc thái của động từ: tích cực/tiêu cực

► Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ/ Mở mắt bé trêu oai linh rừng thẳm (hoặc) đôi mắt nhìn oai linh rừng thẳm.

► Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ/ Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm (Nhớ rừng – Thế Lữ).

Giương (động từ): mở, căng ra hết cỡ và đưa cao lên.

Giễu (động từ): nêu ra để đùa bỡn, chế nhạo hoặc đả kích.

“Hé”, “mở” nghĩa là khiến không cho đóng/bịt lại nữa, “trêu” là làm cho xấu hổ, đùa vui. Sắc thái của chúng chưa rõ ràng, chưa đủ thể hiện sự ngạo nghễ, tự mãn của kẻ thù. Đồng thời từ “giương” và từ “giễu” còn đặc tả rõ ràng về gương mặt, phong thái rất tiêu cực, xấu xa, đáng ghét.

3. Cấu tạo của động từ: từ đơn/từ ghép

► Bao nhiêu người thuê viết/ Nói lớn ngợi khen tài.

► Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài (Ông đồ – Vũ Đình Liên).

Tấm tắc (động từ): luôn miệng buột ra những tiếng xuýt xoa, tiếng kêu nho nhỏ, để tỏ ý khen ngợi, khâm phục.

Nếu từ “nói” thể hiện việc ai đó cất tiếng để truyền đạt thông tin, thì “tấm tắc” có nghĩa sâu hơn. Từ này thể hiện cụ thể việc khen ngợi được lặp lại nhiều lần trong trạng thái cảm phục, ngưỡng mộ.

Các động từ được chắt lọc không chỉ mang một khả năng biểu đạt riêng không thể thay thế mà còn phối hợp ăn ý với các thành phần khác trong câu thơ, tạo nên ý thơ hàm súc, gây ấn tượng mạnh. Vì vậy, khi đọc thơ, các bạn hãy chú ý động từ nhé! Chúng ta cũng cần trau dồi vốn từ và khả năng cảm nhận thì mới có thể tìm ra các động từ hay, đạt được hiệu quả diễn đạt cao nhất.

Bài tập thực hành:
1. Mở một trong các tác phẩm văn xuôi thuộc sách Ngữ Văn mà bạn đang học, chia sẻ câu văn có chứa động từ hay, bình luận để nêu suy nghĩ của bản thân và cùng trao đổi.
2. Ngắm bức tranh sau và kể tất cả các hoạt động bạn quan sát được diễn ra trong đó. Kết nối chúng lại thành một câu chuyện hoặc một đoạn văn ngắn và chia sẻ với cộng đồng Yên Văn nhé.

Yen-van-dong-tu-trong-van-hoc

(*) Câu văn này có thể sử dụng như lí luận văn học, phù hợp với phân tích và cảm thụ thơ.

Artwork: Midjourney.

Đội ngũ Yên Văn

thiệp văn học

Bộ sưu tập mới nhất

Bộ sưu tập Đồng Hành

BST "Đồng Hành" với 8 tấm thiệp từ 8 trích dẫn đắt giá sẽ giúp bạn "mượn thơ tỏ lòng". Đó là những câu chúc mừng sinh nhật, mừng thành công; những lời tri ân, an ủi; những lời yêu thương ngọt ngào hay lời nhắn trước khi chia xa...

Học liệu tinh gọn

Từ những nhân vật văn học và câu chuyện thú vị, học liệu của Yên Văn sẽ cùng bạn rút ngắn khoảng cách giữa văn chương và thực tiễn cuộc sống, đồng thời cải thiện kỹ năng viết thật hiệu quả!

Thư viện số

Chuỗi bài hướng dẫn học tập cùng Yên Văn sẽ giúp các bạn tìm ra cách học phù hợp nhất với bản thân và học tập đạt hiệu quả cao nhất.

Hoạt động xã hội

Chuỗi bài hướng dẫn học tập cùng Yên Văn sẽ giúp các bạn tìm ra cách học phù hợp nhất với bản thân và học tập đạt hiệu quả cao nhất.

Kết nối với Yên Văn

Hãy chia sẻ một đoạn thơ/trích dẫn đắt giá trong văn học với Yên Văn nhé!

1 Comments

  • Trong văn bản “Giang” (SGK Ngữ Văn 10, chân trời sáng tạo, Bài 8, trang 69) của nhà văn quân đội Bảo Ninh, ông đã có viết: “Chín giờ tối chủ nhật mới điểm danh mà chỉ dám nấn ná cố cùng tới 12 giờ trưa là phải bứt khỏi nhà chạy nhào ra bến Kim Mã.”
    Ở đây, tác giả đã sử dụng động từ “bứt” để thay cho từ “ra” hay “rời”. Từ “bứt” ở đây ngoài nghĩa là giật mạnh làm cho cái gì đó đứt ra thì còn có nghĩa là tách lìa hẳn để đi nơi khác, làm việc khác. Không chỉ cho thấy sự vội vã sợ trễ giờ mà còn cho thấy sự lìa xa chốn cũ, mặc dù không nỡ nhưng phải trở về đơn vị.
    Có chỗ nào em cảm nhận không đúng thì cho em xin ý kiến với nhé. Cảm ơn ạ!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *