Còn một năm, chỉ một năm thôi tôi sẽ học đại học, đồng nghĩa với việc tôi sẽ rời xa gia đình, rời xa quê hương Tây Ninh của mình. Tôi không nghĩ tôi đứng trước ngã rẽ cuộc đời sớm đến vậy, giờ tôi phải nghĩ đến chuyện học ngành gì, đến cả chuyện mình sẽ sống ra sao khi phải rời xa gia đình và quê hương. Dòng suy nghĩ ấy đã khiến tôi quay lại để nhìn cả chặng đường mười sáu, mười bảy năm gắn bó với Tây Ninh – nơi có rất nhiều kỉ niệm và bài học mà tôi chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên.
Nếu ai đó hỏi tôi: “Quê bạn ở đâu?”, tôi sẽ trả lời thế này: “Quê tôi ở Tây Ninh!”.
Tây Ninh là quê hương tôi. Hai từ “quê hương” ấy khiến tôi nhớ lại bài học những năm lớp Một, lớp Hai. Tôi nhớ tôi được dạy về khái niệm quê hương – nơi chôn rau cắt rốn, là nơi mình được sinh ra và lớn lên. Nhưng tôi là một đứa có đầu óc ngớ ngẩn, cứ phức tạp hóa vấn đề lên vốn là bản tính trời sinh của tôi vậy. Đúng là quê hương là nơi mình được sinh ra và lớn lên, thế nhưng tôi nhớ hồi lớp Một, lớp Hai gì đó có một cô giáo qua lớp tôi, hỏi gặp tôi. Cô hỏi về những giấy tờ như hộ khẩu của tôi, cụ thể là tại sao địa chỉ nhà tôi lại ở tận thành phố Hồ Chí Minh? Mà lúc ấy cái đầu óc trẻ con của tôi chỉ biết đến chơi bời, ngoan ngoãn học hành vui lòng mẹ cha, nào có biết đến cái gì là hộ khẩu, địa chỉ thường trú hay địa chỉ tạm trú cơ chứ? Từ đó tôi tự hỏi chẳng phải mình được sinh ra ở Tây Ninh sao? Tôi hỏi lại người thân trong nhà mới biết là mẹ tôi sinh tôi ra ở thành phố Hồ Chí Minh, sinh xong mới đem tôi về Tây Ninh ở. Vì sinh ở thành phố Hồ Chí Minh nên làm hộ khẩu tại đó luôn, địa chỉ thường trú là ở thành phố, còn tạm trú mới là quê hương Tây Ninh của tôi. Có lẽ giấy tờ có chút nhầm lẫn nên thành ra người giáo viên ấy mới hỏi lại tôi về địa chỉ nhà. Cho nên lúc ấy tôi mới biết nơi tôi sinh ra là ở thành phố Hồ Chí Minh, còn Tây Ninh là nơi tôi lớn lên. Thế là tôi có đến hai quê hương sao? Nhưng đối với tôi, so với Hồ Chí Minh, Tây Ninh vẫn gắn bó với tôi lâu dài hơn cả, bởi vì ở đó có nhiều kỉ niệm đẹp, có nhiều bài học, và có cả người mẹ quá cố của tôi.
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôiQuê hương - Đỗ Trung Quân
Đó là đoạn thơ được trích từ bài “Quê hương” của Đỗ Trung Quân. Đúng vậy! Tôi chỉ có một người mẹ thôi, người mẹ ấy là một phần quan trọng trong suốt mười mấy năm gắn bó với Tây Ninh. Mẹ tôi là người rất yêu thương tôi, bà là người duy nhất trong nhà tôi có thể trò chuyện, tâm sự. Tôi nhớ rất rõ những món đồ chơi, quyển tập, quyển sách mẹ mua cho tôi, những nơi mà mẹ dẫn tôi đi chơi và kể cả câu nói:
-Khi không còn mẹ nữa, con hãy cố gắng sống tốt nhé!
Đó là câu nói mà mẹ tôi căn dặn khi bà mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khi tôi mới lớp Tám.
Núi Bà Đen tại quê hương Tây Ninh (Ảnh tác giả sưu tầm)
Mẹ tôi mắc bệnh ung thư, và bà đã dạy tôi bài học về kiên cường và nghị lực. Hồi tôi học lớp Tám, bác sĩ nói mẹ tôi chỉ còn sống được một năm nữa thôi. Không một ai trong nhà nói về căn bệnh của bà cho tôi nghe vì sợ tôi buồn mà ảnh hưởng việc học, không lâu sau tôi mới biết. Nhưng sự thật bà đã cố gắng kiên trì sống thêm bốn năm nữa, có nghĩa là bà đã có thể xem tôi trưởng thành thêm bốn năm nữa trên mảnh đất Tây Ninh này. Hai năm đầu, căn bệnh chưa tàn phá cơ thể mẹ tôi nhiều, nên bà vẫn có thể đi chơi với tôi và gia đình. Tôi nhớ mẹ tôi có đi cùng gia đình đến núi Bà Đen nữa cơ. Núi Bà Đen là khu du lịch nổi tiếng ở Tây Ninh, du khách ai cũng muốn ghé qua dù chỉ một lần. Tôi nhớ chúng tôi còn lên cáp treo đến tận đỉnh Núi Bà rất vui. Tôi và mẹ tôi còn đi thêm nhiều nơi trong Tây Ninh nữa, như vòng xoay 30/4, cầu Quan,… Nhưng hai năm cuối cùng, mẹ tôi không thể đi lại thường xuyên, căn bệnh đã di căn thành ung thư xương nên mẹ tôi hay đau chân lắm. Đến nước này tôi vẫn không hề kể cho bất kì bạn bè nào nghe, vẫn âm thầm chịu đựng những nỗi ám ảnh từ những ngày mẹ tôi khóc la vì đau. Tôi nhớ hôm tôi đang thi cuối kì hai, đêm trước ngày thi đầu tiên, mẹ tôi vì quá đau đã đập giường khóc la và đòi chết ngay trước mặt tôi. Sáng hôm sau tôi vừa làm bài thi vừa suy nghĩ mãi đến chuyện đêm ấy không thôi. Đỉnh điểm là ngày thi hôm sau, mẹ đã nhập viện. Đến ngày thi môn cuối cùng, tôi đã khóc thút thít trong phòng thi, vì tôi ngồi bàn cuối, lại đeo khẩu trang còn cúi gằm mặt xuống nên không ai phát hiện. Tôi nhớ lúc ấy tôi muốn buông xuôi tất cả mọi thứ, kể cả cái bài thi mình đang làm. Tôi định bỏ nốt các câu còn lại luôn ấy, nhưng vì trách nhiệm phải làm bài nên tôi vẫn cố gắng làm nốt bài thi.
Khoảng hai ngày sau, mẹ tôi đi.
Tôi nhớ mẹ tôi đã đi ngày hôm ấy.
Nhưng bây giờ tôi nghĩ đã có rất nhiều thứ ở lại cùng tôi, chính là những bài học và kỉ niệm tại mảnh đất quê hương Tây Ninh này. Mảnh đất ấy chính là nơi đã dạy cho tôi biết thế nào là tình mẫu tử. Mảnh đất ấy đã cho tôi những người bạn tốt, đó chính là những người đã thăm tôi trong đám tang của mẹ. Hồi cấp hai, tôi gặp nhiều đứa xấu tính, lại bị bạn bè ghét bỏ. Nhưng khi lên cấp ba, chứng kiến có nhiều bạn cùng lớp đến thăm mình hôm đám tang mẹ thì tôi mới biết thế nào là tình bạn. Ngoài ra, tôi còn học được rằng sức khỏe quan trọng đến thế nào sau khi mẹ mất. Tất cả những bài học ấy tôi đã học được chỉ từ mảnh đất Tây Ninh này.
Mùa hè lại đến, một mùa hè tại Tây Ninh. Tôi vẫn đi du lịch với gia đình bình thường. Dạo này tôi rất hay đi chơi, nhất là đi đến một nơi thật xa, thật xa với Tây Ninh của tôi. Lúc này, tôi mới nhận ra không phải tôi thích đi du lịch đâu, mà tôi muốn trốn tránh thực tại, trốn tránh quá khứ và trốn tránh cả Tây Ninh – nơi đã dạy tôi những bài học, đồng thời là nơi cho tôi nỗi đau mất người thân. Nói vậy thôi chứ rốt cuộc, lòng tôi vẫn bồi hồi, vẫn mong ngóng Tây Ninh nơi đất khách quê người. Và bài học tiếp theo tôi học được tại mảnh đất ấy là đối diện với sự thật. Sự thật mẹ tôi đã mất, như thế bà sẽ không còn phải chịu đựng đau đớn thể xác nữa, nói đúng hơn là bà đã thanh thản rồi, tôi nên mừng mới đúng. Với lại chuyện sinh tử là chuyện bình thường trong cuộc đời này, có người sinh ra, rồi già đi, mắc bệnh và chết; có người sinh ra, nhưng chưa già đã mắc bệnh và chết; cũng sẽ có người vừa mới sinh ra đã chết, thậm chí có những em bé chưa kịp sinh ra vì lý do nào đó phải về với cát bụi rồi.
Quê hương Tây Ninh (Ảnh tác giả sưu tầm)
Tuy vậy, tôi vẫn sẽ nhớ mãi cái đất Tây Ninh này, dù nơi ấy có nỗi đau, nhưng cho tôi nhiều bài học. Tâm hồn tôi, trái tim tôi chỉ mang hình dáng nơi ấy thôi. Và tôi nghĩ nếu sau này sang Hồ Chí Minh học đại học, có ai đó hỏi quê tôi ở đâu, tôi sẽ không hề chần chừ và dõng dạc trả lời rằng: “Quê tôi ở Tây Ninh!”
Tên thí sinh: Nguyễn Ngọc Linh
Học sinh lớp 12 Văn, học trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, thành phố Tây Ninh
Tuổi: 17 tuổi
Quê quán: Tây Ninh