Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu [...]. (*)
(trích Sự giàu đẹp của tiếng Việt, Đặng Thai Mai)
Trong thơ ca, ngôn ngữ không chỉ cần cô đọng, hàm súc mà còn cần “phối thanh” hài hòa để tạo nên nhịp điệu. Từ láy, với đặc điểm cấu tạo từ các tiếng giống nhau về âm, về vần hoặc giống nhau toàn bộ, thường được người nghệ sĩ sử dụng trong thơ của mình vì đáp ứng đủ yêu cầu của ngôn ngữ. Vậy từ láy là gì?
Từ láy là sự phối hợp những tiếng có âm đầu hay vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau.
(SGK Tiếng Việt lớp 4, tập 1, tr.39)
1. Phân biệt từ ghép và từ láy
Bí kíp 1: Nếu một trong hai âm tiết của từ là từ Hán Việt thì đó là từ ghép. (**)
►“minh mẫn” có hình thức của một từ láy phụ âm đầu “m” nhưng tiếng “minh” là từ Hán Việt, nên “minh mẫn” là từ ghép.
►“chí khí” có hình thức của một từ láy vần “i” nhưng cả hai tiếng “chí” và “khí” là từ Hán Việt, nên “chí khí” là từ ghép.
Bí kíp 2: Đảo lộn các tiếng với nhau, nếu từ đó vẫn có nghĩa thì đó là từ ghép, ngược lại là từ láy. (***)
►Đảo vị trí các tiếng trong từ “tươi tốt”, ta được “tốt tươi” vẫn là một từ có nghĩa, vậy đây là từ ghép.
►Đảo vị trí các tiếng trong từ “rực rỡ”, ta được “rỡ rực” không có nghĩa, nên “rực rỡ” là từ láy.
Sau khi bạn đã hiểu khái niệm và biết nhận diện từ láy, Yên Văn mách bạn 3 cách để phân tích các từ láy trong thơ
2. Phân tích từ láy trong thơ ca
Thứ nhất, bạn hãy chú ý vào vai trò của từ láy trong việc mở rộng nghĩa của câu.
Nghĩa của từ láy thường cụ thể hơn về sắc thái biểu cảm, có thể là sắc thái giảm nhẹ/tăng lên hoặc sắc thái nhấn mạnh… Bà Huyện Thanh Quan đã từng viết trong thi phẩm “Qua Đèo Ngang”:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
(Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)
“Lom khom” không chỉ là tư thế cúi người đơn thuần mà còn mang tới cảm giác về một dáng vẻ không đứng yên mà liên tục chuyển động. Trong câu thơ, từ láy “lom khom” đã gợi lên hình dung cụ thể về hành động cúi nhặt củi của người tiều phu, từ đó ta có thể liên tưởng tới đời sống thiếu thốn, lam lũ, vất vả của người lao động đương thời.

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” sử dụng nhiều từ láy gợi tả
Thứ hai, bạn hãy chú ý vào tác động của từ láy tới nhịp thơ.
Cảm thụ thơ không chỉ cần chú ý tới ngôn từ bởi mỗi từ ngữ được sử dụng trong thơ ca là sự chắt lọc cả về nghĩa và về âm của người nghệ sĩ. Thông thường, từ láy thường có vai trò bổ sung cho một danh từ, tính từ, động từ khác để tạo thành một nhịp thơ trọn vẹn.
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?(Vội vàng - Xuân Diệu)

Từ láy tác động tới nhịp thơ trong “Vội vàng”
Từ láy “rộn ràng” bổ ngữ cho “chim” tạo nên nhịp ngắt ¾ như một khoảng ngừng ở giữa câu thơ, vừa gợi lên xúc cảm bàng hoàng, bất ngờ trước tiếng chim chào xuân đang rộn ràng bỗng ngừng lại vì lo sợ độ tàn phai, héo úa; vừa thể hiện sự bất lực của cái tôi trữ tính khi vạn vật cứ thế chảy trôi theo quy luật vận hành của tự nhiên.
Từ láy có thể tự tạo thành một nhịp thơ riêng lẻ như trong “Lượm” của Tố Hữu:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh(Lượm - Tố Hữu)
Câu thơ bốn chữ được ngắt nhịp 2/2 cộng hưởng với âm điệu vui tươi của các từ láy gợi lên hình dung về nhịp chân nhanh nhẹn, hồn nhiên, ngập tràn hy vọng và niềm lạc quan của cậu bé liên lạc.
Cuối cùng, thơ có nhịp điệu nên đọc thơ cũng như hát một bài hát và từ láy góp phần quan trọng tạo nên tính nhạc của thơ.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.(Tây Tiến - Quang Dũng)
Từ láy “khúc khuỷu”, “heo hút” mang âm vực cao, vị trí ở giữa câu khiến câu thơ mang âm điệu của một khúc nhạc kịch cao trào, kịch tính và hồi hộp, gợi lên trong lòng người đọc hình dung cụ thể về con đường gập ghềnh, trắc trở cùng nhịp thở nặng nhọc, gấp gáp của người chiến sĩ trên đường hành quân gian truân.

Các từ láy góp phần tạo nên tính nhạc trong “Tây Tiến”
Mời các bạn tìm hiểu 2 cuốn học liệu tinh gọn của Yên Văn (tính đến tháng 6 năm 2024).
📗 Văn học cách mạng – Theo dấu ước mơ | Giá: 139.000đ
Sách tích hợp kiến thức văn học và lịch sử, giúp mở rộng từ vựng tiếng Việt và rèn luyện kỹ năng viết NLXH. Đọc thử: https://tinyurl.com/ht01read
📗 Theo chân văn học – Đi dọc Việt Nam | Giá: 139.000đ
Sách tích hợp kiến thức văn học và địa lý, giúp mở rộng từ vựng tiếng Việt và rèn luyện kỹ năng viết văn thuyết minh.
📌 Đọc thử: https://tinyurl.com/ht04read
📌 Đặt mua sách qua Shopee: https://shopee.vn/yenvanofficial
📌 Đặt mua sách qua GG Form: https://tinyurl.com/yenvanprinted
Bài tập thực hành:
1. Mở sách giáo khoa bạn đang học, tìm một khổ thơ mà bạn thấy tác giả dùng rất nhiều từ láy.
2. Miêu tả 1 nhân vật văn học, sử dụng những từ láy để mọi người cùng đoán xem đó là nhân vật nào!
Đội ngũ Yên Văn